Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

* Sức hấp dẫn của Sa Pa là thiên nhiên hoang sơ và nét đẹp dung dị trong đời sống hàng ngày đồng bào dân tộc

11:00 | 24/09/2023

(Chinhphu.vn) - Tối 23/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự Chương trình đặc biệt Kỷ niệm 120 năm du lịch Sapa, tại tỉnh Lào Cai. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi lễ

* Sức hấp dẫn của Sa Pa là thiên nhiên hoang sơ và nét đẹp dung dị trong đời sống hàng ngày đồng bào dân tộc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Chương trình đặc biệt Kỷ niệm 120 năm du lịch Sapa - Ảnh: VGP/MK

 

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng,

Thưa các vị đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế, thưa đồng chí, đồng bào và du khách có mặt tại buổi lễ hôm nay.

Trong không khí mùa thu trong lành, dịu ngọt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai đang vui mừng, hân hoan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh nhà.

Hôm nay, tại thị xã Sa Pa xinh đẹp, mảnh đất của thiên nhiên hùng vĩ, nơi gặp gỡ giữa đất - trời, hội tụ đa dạng nét văn hoá độc đáo của núi rừng Tây Bắc và những người dân hiền hoà, mến khách chúng ta vui mừng Kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi trân trọng gửi tới các vị đại biểu khách quý, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý, du khách trong và ngoài nước, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

hưa các vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,

Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ khi được Đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào cuối năm 1903, Sa Pa đã ẩn giấu trong mình cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bềnh bồng trong mây; núi thì tuyệt đỉnh, sông thì đầu nguồn và khí hậu trong lành, mát mẻ, mang sắc thái đa dạng.

Khi về thăm tỉnh Lào Cai năm 1958, Bác Hồ đã căn dặn: Sa Pa có thể thiết kế làm đường lên để thành nơi du lịch, tu nghiệp cho tỉnh nhà và cho cả nước.

Thực lời căn dặn của Bác, nhiều thế hệ những người yêu Sa Pa, vì Sa Pa, nhất là đồng bào các dân tộc nơi đây, bằng bàn tay, khối óc đã hăng say lao động, vượt qua gian khổ, hy sinh để xây dựng Sa Pa trở thành điểm đến du lịch văn hóa và thiên nhiên hàng đầu thế giới.

Đến với Sa Pa, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện cùng những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc chung sống lâu đời. Sự đa dạng đầy sắc màu của không gian văn hóa của các làng bản, những nếp nhà sàn bình yên ẩn hiện trong sương mờ; những bãi đá cổ huyền bí; những trang phục, điệu múa đặc sắc; tiếng sáo, khèn, đàn môi réo rắt; các lễ hội, những phiên chợ tình và những ngành nghề thủ công truyền thống hay khu ruộng bậc thang được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của nông dân uốn lượn trải dài khắp các bản làng Tả Van, Tả Phìn... kéo tận đến chân trời.

Điều đó đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt, bản sắc riêng có của Sapa với du khách trong nước và quốc tế. Sa Pa ngày nay không chỉ là một trong bảy Khu du lịch Quốc gia mà đã vươn tầm, được ghi danh trên bản đồ du lịch toàn cầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa; tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Đây là những thành tựu đáng tự hào của Đảng Bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung và Sa pa nói riêng.

Đặc biệt, chúng ta trân trọng cảm ơn đồng bào các dân tộc Sa pa trong nỗ lực bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc. Cùng với những món quà vô giá được thiên nhiên ưu ái ban tặng, cùng không gian văn hoá đa sắc màu của đồng bào được trao truyền từ nhiều đời nay đã làm nên sức lôi cuốn của du lịch Sapa.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển văn hóa; bởi văn hóa trường tồn khi trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Thưa các vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,

Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Đảng, Nhà nước đang và sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực công và huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển không gian văn hóa; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển các tiện ích số nhằm hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch Sapa thông minh.

Cùng với hoàn thành dự án đường cao tốc Lào Cai - Sa Pa, Cảng hàng không Sa Pa và các hạ tầng du lịch khác sẽ được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Sa Pa; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.

Ở một góc nhìn khác, việc phát triển du lịch Sapa cũng tạo ra cũng áp lực lớn lên các tài nguyên tự nhiên mà nếu không giải quyết hài hòa sẽ làm cạn kiệt, mai một, thậm chí mất đi những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc đã làm nên thương hiệu của du lịch Sa Pa.

Đáng chú ý, du lịch cộng đồng ở Sa Pa đang giữ vai trò ngày càng quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên, loại hình du lịch này còn mang tính tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mai một văn hóa truyền thống, không hài hòa với thiên nhiên, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố văn hóa ngoại lai, môi trường thiếu an toàn, thân thiện.

Sức hấp dẫn của du lịch cộng đồng Sa Pa là sự kết hợp giữa nét đẹp của tự nhiên hoang sơ, những sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo được hình thành từ đời sống lao động mộc mạc, giản dị nhưng đầy sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, định hướng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng bảo vệ sự nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân; tăng cường tập huấn, đào tạo nhân lực; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, an ninh, trật tự.

Tôi đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh Lào Cai trong quá trình phát triển du lịch Sa Pa cần chú trong một số vấn đề sau đây:

Một là, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sapa phát triển bền vững, hài hoà và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hoá, bản sắc kiến trúc cốt lõi; lấy cộng đồng các dân tộc Sa Pa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực và là người thụ hưởng thành quả từ phát triển.

Chú trọng chuyển đổi xanh trong du lịch, phát triển các loại hình du lịch dựa vào hệ sinh thái; phát huy giá trị văn hoá bản địa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản địa. Đây chính là thế mạnh riêng có của Sapa, và cũng là xu thế chung, tất yếu của thế giới.

Quy hoạch du lịch Sa Pa phải giữ gìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của nơi gặp gỡ đất trời, thị trấn bồng bềnh trong biển mây, thiên đường nghỉ dưỡng châu Âu giữa lòng Việt Nam…

Để mỗi du khách đến với Sa Pa sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mang hơi thở của cuộc sống bình yên, thơ mộng, chốn bồng lai tiên cảnh vùng non cao.

Hai là, chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Mỗi người dân Sa Pa sẽ trở thành một sứ giả về văn hóa; mỗi du khách khi đến với Sapa sẽ đều trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau. Tôi mong muốn chúng ta hãy hành động ngay, bắt đầu bằng việc rất đơn giản là khi chương trình này kết thúc, hãy cùng nhau thu dọn sạch rác trước khi ra về.

Ba là, cần nhanh chóng chuyển đổi số, hướng tới mô hình quản trị hiệu quả, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Sa Pa ra thế giới; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguyên thiên nhiên, cảnh quan, các hệ sinh thái, các di sản.

Với chi phí không quá lớn, sự kết hợp giữa những trải ngiệm "ảo" với những trải nghiệm "thực" về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hoá, con người Sapa chắc chắn sẽ nâng cao sức hút, mời gọi và giữ chân du khách ở Sa Pa.

Chú trọng quảng bá du lịch Sapa qua các tác phẩm, loại hình nghệ thuật, đặc biệt là văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh. Chúng ta đã có một "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long được đưa vào sách giáo khoa phổ thông; những thước phim về sự hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan hay vẻ đẹp lộng lẫy của ruộng bậc thang mùa vàng, mùa nước đổ… đã thôi thúc bước chân du khách đến với Sapa. Du lịch Sa Pa cần thêm nhiều tác phẩm như vậy để đưa những giá trị cốt lõi của vùng đất, con người nơi đây đến với du khách trên toàn thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi điểm đến trong đó Khu du lịch quốc gia Sa Pa phải là động lực, thu hút du khách đến với các điểm đến trên tuyến, và ngược lại, các điểm đến này cũng tạo nên sức hút chung cho du lịch Sa Pa.  

Năm là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc Sa Pa, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch Sa Pa.

Tôi cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực nhằm đầu tư, phát triển chuỗi giá trị du lịch Sa Pa một cách bền vững.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Sa Pa nói riêng và du lịch Lào Cai nói chung sẽ trở thành điểm đến của "du lịch thiên nhiên, bản sắc văn hóa, thể thao mạo hiểm hàng đầu Việt Nam và khu vực; nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình".

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc mùa lễ hội 2023 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

* Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt

Bài phát biểu
Viết tiếp những trang sử vàng của tuổi trẻ Việt Nam* 08:54 | 23/03/2024

(Chinhphu.vn) - Tối 22/3, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.