Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Cà phê Việt Nam đã trở thành niềm cảm hứng cho hòa bình, hợp tác và sáng tạo*

11:18 | 11/03/2025

(Chinhphu.vn) - Tối 10/3, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Phó Thủ tướng.

Cà phê Việt Nam đã trở thành niềm cảm hứng cho hòa bình, hợp tác và sáng tạo*- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cà phê Việt Nam không chỉ là thức uống mà là câu chuyện của thời gian, sự kết nối con người và khát vọng lan tỏa hòa bình - Ảnh: VGP/Minh Khôi

 

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và các địa phương,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ của tỉnh Đắk Lắk,

Thưa bà Vanúsia Nogueira, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế, cùng các vị đại sứ, các đại biểu quốc tế.

Thưa các đại diện doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế,

Thưa quý vị đại biểu khách quý, đồng chí và nhân dân và du khách,

Hôm nay, trong không khí vui tươi, ấm áp của Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ và lễ hội tại thành phố Buôn Ma Thuột tươi đẹp, mến khách, trái tim của ngành cà phê Việt Nam. Tôi rất vui mừng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tham dự chương trình khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 với chủ đề "Buôn Ma Thuột- Điểm đến của cà phê thế giới".

Đây là sự kiện có ý nghĩa diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm tròn 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, chiến thắng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lễ hội không chỉ tôn vinh cà phê Việt Nam, biểu tượng của sáng tạo, thành công mà còn là diễn đàn mang tầm vóc toàn cầu, nơi các quốc gia sản xuất và tiêu thụ cà phê hội tụ, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn cho một tương lai bền vững của ngành cà phê thế giới.

Tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước và với tình cảm cá nhân, xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đại biểu khách quý trong nước và quốc tế, toàn thể đồng chí đồng bào và du khách những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, kết tinh lao động bền bỉ qua bao thế hệ đã trở thành sinh kế bền vững của hàng triệu nông dân, là trụ cột xuất khẩu nông sản quốc gia, khẳng định vị thế của Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đến Việt Nam từ những năm 1857, cây cà phê bén rễ với vùng đất đỏ bazan và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên, biểu tượng của sự giao lưu, kết nối Việt Nam với thế giới.

Với thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cùng độ cao phù hợp, Đắk Lắk là vùng đất lý tưởng của cây cà phê Robusta với hương vị đậm đà, độc đáo, chinh phục những người yêu cà phê trong và ngoài nước. Đắk Lắk đã từ lâu đã được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam, hoàn toàn có đủ tiềm năng và lợi thế để trở thành một trong những trung tâm cà phê lớn của thế giới.

Có thể nói, cà phê Việt Nam, câu chuyện bên tách cà phê Việt Nam trở thành niềm cảm hứng của hòa bình và hợp tác.

Từ đất đỏ Tây Nguyên, qua từng giọt phin cà phê chậm rãi, chúng ta xin gửi đến thế giới hương vị của hồn Việt, đậm đà, kiên cường và ấm áp. Cà phê của Việt Nam không chỉ là thức uống mà là câu chuyện của thời gian, sự kết nối của con người và khát vọng lan tỏa hòa bình. Mỗi tách cà phê là một lời cam kết gìn giữ di sản, tôn vinh thiên nhiên và thức tỉnh từng khoảnh khắc sống.

Ngành cà phê Việt Nam hiện đang hướng tới phát triển bền vững, nâng cao và kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt trên 5 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil.

Trong đó, Đắk Lắk, thủ phủ cà phê của Việt Nam, đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí đồng bào

Hiện nay ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, sản phẩm chưa đa dạng phù hợp với thị hiếu, áp lực cạnh tranh và tiêu chuẩn thị trường ngày càng cao. Điển hình là quy định chống phá rừng của EU, suy giảm năng suất do biến đổi khí hậu...

Để vượt qua những thách thức này, ngành cà phê cần phải thông minh, tuần hoàn và bền vững, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và kinh nghiệm truyền thống để tạo ra những bước đột phá, nâng cao tầm chất lượng, thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam, nâng cao đời sống của người nông dân.

Tôi xin đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, các địa phương có vùng sản xuất cà phê trên cả nước, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê cần chia sẻ chung tầm nhìn chiến lược, phối hợp hành động chặt chẽ, chú trọng một số giải pháp trọng tâm sau đây.

Trước hết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cần tiếp tục rà soát quy hoạch xây dựng vùng trồng cà phê chất lượng cao, phát thải thấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất và chế biến. Cần đầu tư nghiên cứu phát triển giống cây cà phê chịu hạn, kháng sâu bệnh, đồng thời ứng dụng công nghệ canh tác thông minh để giảm thiểu tác động đến môi trường. Có các chính sách khuyến khích thúc đẩy mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm cà phê, tiết kiệm nước, bảo vệ đất đai, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu việc phá rừng, khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình chế biến.

Đào tạo cho nông dân chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ, thông minh và bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế như là Rainforest Alliance và 4C. Xây dựng chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, cũng như giữa nông dân, nhà quản lý và nhà khoa học để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, giúp ổn định giá cả và tăng thu nhập cho người trồng cà phê. Nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt cà phê, phải được hưởng lợi xứng đáng từ sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam.

Chỉ khi người nông dân được hưởng lợi xứng đáng, đất đai mới được bảo vệ và khí hậu được gìn giữ, chúng ta mới có thể nói đến một ngành cà phê thực sự bền vững ở đất nước ta.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, hướng đến ngành cà phê Việt Nam thân thiện môi trường. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê cần chủ động đầu tư vào công nghệ, truy xuất nguồn gốc, sử dụng blockchain và các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh để bảo đảm minh bạch, xây dựng hệ thống quản lý bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng.

Về sản phẩm, cần khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm cà phê với hương vị đặc biệt, đặc thù, được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm cà phê tinh chế như cà phê hòa tan, viên nén để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại trên khắp thế giới.

Thứ ba, chú trọng quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. Các Bộ Công Thương, Ngoại giao, ngành hàng không và du lịch cần chú trọng xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam tại các sự kiện ngoại giao, địa điểm du lịch nổi tiếng. Đồng thời các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực và mở rộng kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường tiềm năng, phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu dùng.

Thưa quý vị đại biểu, đồng chí đồng bào

Cà phê không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, một loại đồ uống mà là khởi nguồn sáng tạo, đặc trưng văn hóa, là tương lai phát triển của vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Thương hiệu cà phê Việt Nam cần được chú trọng xây dựng, phát triển trở thành thương hiệu cấp quốc gia tầm cỡ thế giới và phải phát đi những thông điệp của cà phê Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cà phê Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được chất lượng, thương hiệu và giá trị, có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới.

Một lần nữa, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, xin chúc quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào và du khách thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc tỉnh Đắk Lắk phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.

Chúc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ chín 2025 thành công thật là rực rỡ.

Xin trân trọng cảm ơn.

Bài phát biểu
Kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững, và giàu bản sắc* 10:46 | 21/05/2025

(Chinhphu.vn) - Tối 20/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025, tại TP. Hà Nội. Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga 20:26 | 12/09/2024

(Chinhphu.vn) - Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, lĩnh vực kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật nói riêng.