Cùng nhau chung tay, nỗ lực để hạt muối Việt Nam vươn xa*
(Chinhphu.vn) - Tối 6/3, tại TP. Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu khai mạc Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Thúc đẩy phát triển các ngành hàng sử dụng nguyên liệu từ muối; giảm dần nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm muối biển tự nhiên chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Kính thưa đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Bạc Liêu và các địa phương tham dự Festival.
Thưa các vị khách quốc tế, thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí,
Hôm nay tại tỉnh Bạc Liêu, vùng đất tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa với những người con hào hiệp, nghĩa tình.
Nơi nghề muối được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi rất vui mừng được thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước về tham dự chương trình khai mạc Festival Nghề muối Việt Nam Bạc Liêu năm 2025.
Tôi xin được thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tình cảm cá nhân, tôi gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý, quý vị đại biểu, cùng bà con diêm dân, các nghệ nhân, người muối những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa các đồng chí,
Với chủ đề Hành trình 100 năm nghề muối, đời người, Festival nghề muối Việt Nam được tổ chức tại Bạc Liêu, nơi nghề muối đã được hình thành và phát triển từ hơn 100 năm trước.
Là một sự kiện lớn với nhiều hoạt động có ý nghĩa, từ việc trưng bày những sản phẩm muối độc đáo, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đến các hội thảo bàn về cách ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu và nhiều cái hoạt động rất là quan trọng.
Festival hôm nay cùng sự kiện tôn vinh những diêm dân Việt Nam, những người dãi nắng, gánh mưa để làm ra những hạt muối kết tinh hương vị mặn mòi, những hạt ngọc của biển.
Quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết phát triển sản xuất muối, nâng cao giá trị hạt muối Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Quan trọng hơn, Festival là ngày hội cũng là sự ghi nhận, tôn vinh của chúng ta, của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong việc cam kết sẽ đồng hành cùng bà con, cùng nhau tìm ra hướng đi mới để hạt muối trở thành sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, là niềm tự hào của người Việt Nam.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa bà con,
Muối là thứ gia vị giản dị nhưng là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống. Là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong đời sống và sức khỏe của con người. Là nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến thực phẩm, y tế, sản xuất các hóa chất cơ bản và nhiều lĩnh vực khác.
Không chỉ có vậy, hạt muối với đời sống của diêm dân còn kết tinh trong mình câu chuyện về những gian lao, nhọc nhằn, vật lộn với nắng gắt, mưa dông, bền bỉ, sáng tạo, nặng nghĩa thủy chung của những diêm dân như lời ca mặn mòi trong bài vọng cổ Biển cạn: Muối Đông Điền mặn nghĩa thủy chung.
Là quốc gia ven biển, Việt Nam có lợi thế tự nhiên để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối. Nghề muối được hình thành từ lâu đời đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống và văn hóa của dân tộc.
Hiện nay, nghề muối đang là sinh kế, tạo việc làm cho khoảng hơn 12.000 hộ diêm dân vùng duyên hải, ven biển của Việt Nam tại 9 vùng sản xuất muối ở 21/28 tỉnh, thành phố ven biển.
Sản phẩm muối Việt Nam đã từng bước được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm như sản phẩm muối Đề Gi của tỉnh Bình Định, muối Cổ San của tỉnh Quảng Bình, muối Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, muối Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, muối Tuyết Diêm tỉnh Phú Yên… Được xuất khẩu tới các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và xây dựng được kênh phân phối khá bền vững.
Đặc biệt, nói đến muối không thể không nhắc đến Bạc Liêu, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ muối của Việt Nam. Với hơn 1.400 ha cánh đồng muối, sản lượng hàng năm lên đến hàng chục nghìn tấn. Bạc Liêu không chỉ còn là nơi sản xuất muối lớn nhất cả nước mà còn nơi lưu giữ một nét văn hóa đặc sắc.
Muối Bạc Liêu hay còn gọi là muối Ba Thắc từ lâu đã nổi tiếng với chất lượng cao, vị đậm đà, được xuất khẩu đi nhiều nước. Năm 2013, muối Bạc Liêu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định giá trị riêng biệt của vùng muối đất thân này.
Tham dự sự kiện hôm nay, tôi rất ấn tượng với những nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu trong việc bảo tồn và phát triển nghề muối. Từ việc chuyển đổi sang sản xuất muối trắng trải bạt, ứng dụng công nghệ hiện đại đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghề muối. Tất cả đều cho thấy khát vọng vươn lên của bà con và chính quyền địa phương nơi đây.
Bạc Liêu không chỉ dừng lại ở việc làm muối mà còn kết hợp với du lịch, văn hóa, biến những cánh đồng muối thành những điểm đến hấp dẫn để du khách không chỉ thấy hạt muối mà còn hiểu được câu chuyện của người làm ra nó, vùng đất này. Có thể nói, đây là hướng đi rất đúng đắn để nâng cao, kéo dài chuỗi giá trị hạt muối của Việt Nam.
Thưa các đồng chí, thưa bà con,
Bên cạnh những thuận lợi to lớn, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành muối Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trước hết, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng có sự biến đổi bất thường, thiên tai ngày càng cực đoan, ảnh hưởng đến sản lượng và cơ sở hạ tầng nghề muối của chúng ta.
Năng lực tổ chức liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường còn rất là hạn chế, đặc biệt là các cái nguồn lực để đầu tư cho ngành muối.
Thực tế cũng còn quá ít mối liên kết giữa doanh nghiệp với diêm dân để nâng cao giá trị hạt muối.
Thật đáng tiếc khi sau hàng trăm năm trên những cánh đồng muối hôm nay, sức người vẫn làm thay cho máy móc và chỉ một cơn mưa có thể khiến công sức của diêm dân đổ sông, đổ biển.
Giá trị hạt muối chưa được nâng cao, đầu ra không ổn định, lợi nhuận thu về còn rất thấp. Thu nhập của diêm dân chỉ bằng 70% mức thu nhập trung bình cả nước. Và đặc biệt là tôi phải nói rằng là cạnh tranh hiện nay với vấn đề nhập khẩu các loại muối sản xuất công nghiệp cũng là một trong những thách thức đối với bà con diêm dân.
Thưa đồng chí, thưa bà con,
Mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng và Nhà nước là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Đối với lực lượng diêm dân, diêm nghiệp sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ và đặc biệt vừa rồi Trung ương đã ban hành Nghị quyết 57 thì chúng ta sẽ ứng dụng các cái công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo để giúp cho cái ngành diêm nghiệp chúng ta phát triển, để giúp cho người dân, diêm dân làm muối nâng cao thu nhập.
Như vậy, phải khẳng định rằng nâng cao năng suất, nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Diêm dân trông đợi vào sự chủ động, tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương.
Tại lễ khai mạc Festival nghề muối Việt Nam Bạc Liêu năm 2025 hôm nay, tôi xin được thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố ven biển tập trung để triển khai đồng bộ một số cái nhiệm vụ sau đây. Và đây cũng chính là cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành và các địa phương sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Một là, cần phải rà soát ngay để phát triển vùng muối ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất muối công nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, thu hồi các sản phẩm sau muối, áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Đa dạng hóa các sản phẩm muối ở các địa phương như Bạc Liêu, Bến Tre, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Thái Bình và các địa phương khác.
Hai là, cần phải tập trung triển khai diện các giải pháp có tính đột phá như là đưa khoa học công nghệ vào để có thể ứng dụng cái công nghệ hiện đại hơn.
Đầu tư cải tạo nâng cấp đồng bộ hạ tầng đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất chất lượng, bảo quản đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và gia tăng các giá trị cho các sản phẩm của muối.
Đồng thời chú trọng xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu muối đặc trưng của các vùng miền.
Riêng với tỉnh Bạc Liêu, tôi đề nghị các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu ra với quốc tế để không chỉ bà con trong nước mà cả bạn bè thế giới đã và sẽ biết đến hạt muối của Bạc Liêu nhiều hơn.
Bộ Công Thương cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành hàng sử dụng nguyên liệu từ muối như ngành chế biến thực phẩm, y tế, công nghiệp hóa chất.
Giảm dần nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm muối biển tự nhiên chứa nhiều khoáng chất và có lợi cho sức khỏe và phải quảng bá các cái muối sinh học hiện nay chúng ta sản xuất một cách tự nhiên.
Có chính sách thay thế dần cái việc nhập khẩu muối công nghiệp hiện nay bằng người Việt Nam sẽ làm chủ và với tinh thần là người Việt Nam sẽ dùng hàng của Việt Nam.
Quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho tổ chức và hộ gia đình phát triển các sản phẩm OCOP đối với muối và các sản phẩm từ muối tại địa phương, bảo hộ sở hữu thương hiệu cho sản phẩm muối ở các địa phương, xúc tiến thương mại các sản phẩm muối và sau muối.
Ba là, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp. Những cánh đồng muối không chỉ là nơi sản xuất mà còn là tài sản văn hóa, du lịch. Chúng ta cần kết nối tuyến du lịch, xây dựng các tour trải nghiệm làm nghề muối để du khách đến tham quan và đặc biệt là du lịch cộng đồng ở đây cần phải được xây dựng thành các mô hình một cách bền vững.
Tìm hiểu về quy trình sản xuất, tham gia vào các quá trình hoạt động thu hoạch, thưởng thức các món ăn địa phương, qua đó tạo thêm thu nhập cho bà con và quảng bá hình ảnh Bạc Liêu, miền đất, con người, nghề muối Việt Nam.
Bốn là, chú trọng hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho diêm dân. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, bảo hiểm, giảm thiểu rủi ro cho bà con làm muối. Và tôi cũng đề nghị là đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực diêm nghiệp thì cần phải có các chính sách về tài chính riêng để hỗ trợ cho người bà con và đặc biệt là có quỹ để bảo hiểm rủi ro trong ngành nghề này.
Có chính sách để hỗ trợ đưa khoa học công nghệ cũng như là hỗ trợ liên kết, kết nối doanh nghiệp, các nhà khoa học, kết nối thị trường với bà con diêm dân.
Tôi mong rằng các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ cùng chung tay tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, nâng cao giá trị, kéo dài chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm để bà con không còn lo lắng chuyện được mùa mất giá, hạt muối mặn đắng mồ hôi.
Cuối cùng là, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với nghề muối. Do đó, cần đầu tư nghiên cứu, xây dựng các giải pháp như hệ thống thủy lợi, cải tạo đất, lọc nước để bà con có thể yên tâm sản xuất ngay cả khi thời tiết bất thường và cực đoan.
Tôi mong muốn Festival nghề muối năm nay sẽ là dịp để kết nối các nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ muối với diêm dân để hướng tới xây dựng được các chuỗi liên kết nhằm đa dạng hóa các sản phẩm muối. Đồng thời quảng bá sản phẩm muối cùng với các giá trị văn hóa giàu bản sắc, qua đó nâng tầm giá trị của hạt muối của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
Hạt muối tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng những sức sống mãnh liệt của đất trời và con người Việt Nam.
Festival nghề muối Việt Nam Bạc Liêu năm 2025 là thời điểm, dấu mốc để Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương cùng bà con diêm dân chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực để đưa hạt muối vươn xa, để nghề muối không chỉ là di sản mà còn là cơ sở để phát triển kinh tế, văn hóa. Để cùng ngành muối, ngành diêm nghiệp chúng ta cùng đồng hành với đất nước bước vào một kỷ nguyên mới.
Cuối cùng, một lần nữa tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị đại biểu và khách quý, chúc bà con diêm dân nhiều sức khỏe, hạnh phúc, chúc Festival nghề muối Việt Nam Bạc Liêu năm 2025 thành công rực rỡ, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người tham dự và khởi đầu cho một trang mới của ngành diêm dân Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn.
* Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt

(Chinhphu.vn) - Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, lĩnh vực kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật nói riêng.