Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Giải quyết các thách thức phát triển bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

17:52 | 16/09/2023

(Chinhphu.vn) - sáng 15/9 (giờ địa phương), tại La Habana, Cuba, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận chính Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Giải quyết các thách thức phát triển bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận chính Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc.

 

- Thưa Đồng chí Miguel Díaz Canel Bermudez , Bí thư thứ Nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba,

- Thưa Ngài António Guterres , Tổng Thư ký Liên hợp quốc,

- Thưa các nhà lãnh đạo và quý vị đại biểu,

Tôi hết sức vinh hạnh được thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tham dự hội nghị hết sức quan trọng, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu G77 và Trung Quốc để đề cập đến những vấn đề hết sức quan trọng trên toàn cầu, các thách thức phát triển hiện nay, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam xin chúc mừng và đánh giá rất cao những đóng góp và trách nhiệm của Cuba trên cương vị Chủ tịch G77 và Trung Quốc.

Chúng tôi đánh giá cao đất nước Cuba anh em đã nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để đưa lãnh đạo, đại biểu của 2/3 các quốc gia trên thế giới, đại diện cho trên 80% dân số toàn cầu đến thủ đô La Habana tươi đẹp để trao đổi về các vấn đề cấp bách, sống còn của trái đất hôm nay, và cùng nhau, trong buổi sáng hôm nay, bằng những khát vọng cháy bỏng, trách nhiệm, tâm huyết đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm hóa giải những thách thức hiện nay; đồng thời kết nối để đoàn kết, hợp tác, xóa nhòa sự khác biệt về thể chế chính trị, giảm bới khoảng cách giàu nghèo giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Thưa quý vị,

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, toàn diện, mở ra nhiều cơ hội mới cho các quốc gia đang phát triển. Chỉ có khoa học công nghệ mới có thể giúp các nước đang phát triển đón đầu và ứng phó được với các thách thức toàn cầu hiện nay.

Trên phạm vi toàn cầu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để chúng ta chủ động thích ứng, giải quyết các thách thức chung trong ngắn hạn và dài hạn. Trong thời gian vừa qua, với những thách thức, khó khăn mà chúng ta cùng nhau đoàn kết vượt qua, đặc biệt là đại dịc COVID-19, đã để lại nhiều bài học hết sức sâu sắc. Đó là trong thời đại ngày nay không thể có một thế giới an toàn, không dịch bệnh nếu một nước còn dịch bệnh, không thể đạt được mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, không để nhiệt độ trái đất tăng quá 1,5 độ C, nếu tất cả chúng ta không cùng đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Và chính trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy chìa khóa của cuộc chiến chống COVID-19 là vaccine, và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vaccine là công nghệ sản xuất  nhiên liệu xanh, là sự đoàn kết và hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thưa các quý vị,

Trong bối cảnh hiện nay, với kinh nghiệm và thực tiễn của Việt Nam, tôi xin chia tới Hội nghị một số định hướng hợp tác trọng tâm.

Thứ nhất là trong bối cảnh các thách thức toàn cầu gia tăng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thúc đẩy hợp tác quốc tế. Chúng ta phải đề cao chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết quốc tế và tin cậy giữa các nước. Ở đây, chúng ta đã nói đến hợp tác Nam – Nam, hợp tác Nam – Bắc. Tôi cũng đề nghị, chúng ta phải cùng nhau hợp tác, đoàn kết để giải quyết những vấn đề toàn cầu thay vì bao vây, cấm vận.

Thứ hai là cần phải giải quyết hài hòa giữa sở hữu trí tuệ với phạm trù đạo đức trong trách nhiệm chia sẻ, chuyển giao công nghệ vị nhân sinh, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh,

đói nghèo, biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Đây là nguyên tắc hết sức quan trọng, cũng như trách nhiệm chung, không phân biệt nước phát triển và đang phát triển. Cùng nhau hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng mang tính đạo đức.

Trong khuôn khổ Bắc - Nam, cần đẩy mạnh hợp tác, tận dụng thế mạnh về vốn, công nghệ của các nước phát triển; đặc biệt chia sẻ sở hữu trí tuệ, hình thành các cơ chế bảo lãnh tín dụng, cung cấp vốn ưu đãi cho các dự án phát triển công nghệ; xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng lực cho các  nước đang phát triển.

Trong khuôn khổ Nam - Nam, khoa học, công nghệ cần trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong giai đoạn mới. Các nước G77 và Trung Quốc cần tiếp tục hợp tác, tăng cường hơn nữa hỗ trợ trong lĩnh vực này. Các nước G77 và Trung Quốc cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn, mẫu mực trong nghiên cứu và chia sẻ các lợi ích từ nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tác

Thứ ba là thúc đẩy đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo, lấy con người là chủ thể, là trung tâm trong đó giới trẻ là lực lượng tiên phong. Nhóm G77 và Trung Quốc cần tăng cường giao lưu thanh niên, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý phải chú trọng đến hợp tác trong giới trẻ.

Thứ tư là cần kiến tạo các khung chính sách và đầu tư nhất là trong hợp tác công - tư, tạo lập hệ sinh thái nghiên cứu, chuyển giao và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

Đặc biệt chú trọng thúc đẩy nghiên cứu phát triển các lĩnh vực mới từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số như công nghệ vật liệu, lượng tử, sinh học, năng lượng mới, công nghệ biển, hạ tầng thông minh, các loại hình kinh tế mới.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến của Cuba về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng khoa học, công nghệ 3 năm một lần và chọn ngày 16/9 hàng năm là Ngày khoa học, công nghệ của các nước phương Nam. Đây là ý tưởng để hình thành ý tưởng hình thành nền tảng trong cơ chế hợp tác. Chúng ta cần ứng dụng chuyển đổi số để thúc đẩy kết nối, hợp tác.

Đối với Việt Nam, khoa học - công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược. Việt Nam hiện là 1 trong 4 nước đi đầu trong chuyển đổi năng lượng công bằng, với mong muốn tiên phong và trở thành trung tâm chuyển đổi năng lượng xanh.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng kết quả của Hội nghị hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các nước phương Nam, cũng như là một cơ chế để hóa giải các thách thức hiện nay, thúc đẩy hợp tác Bắc – Nam, Nam – Nam hiệu quả hơn, giúp chúng ta bứt tốc, về đích thành công trong nửa chặng đường còn lại của Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là có thể vượt qua những thách thức toàn cầu mang tính sống còn hiện nay.

Chúc quý vị đại biểu nhiều sức khỏe. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn!

Bài phát biểu
Hướng tới chiến lược giao thông an toàn, không có người tử vong * 11:59 | 18/11/2024

(Chinhphu.vn) - Tối 17/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu trong Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam năm 2024, tổ chức tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi bài phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga 20:26 | 12/09/2024

(Chinhphu.vn) - Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, lĩnh vực kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật nói riêng.